- Tháng mười một 6, 2024
Cụ ông gần 80 tuổi bán chè nổi tiếng ở Sài Gòn, đến ăn mới biết vì sao có cái tên “Dương Quá”
Chiều đầu tháng 11, mưa nặng hạt khiến tấm bạt xe chè đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1, TP.HCM) trũng nước. Ông Thể bước ra, một tay giũ sạch xong trở lại góc nhỏ lề đường tiếp tục rửa chén. 15 phút sau, ba tốp khách rời đi ông lại thoăn thoắt dọn ly và xếp ghế.
Ngày làm việc 6 tiếng bất kể nắng mưa. Bốn thập kỷ trôi qua, người đàn ông này vẫn chưa bao giờ thấy mệt bởi “còn được làm việc là hạnh phúc”. Xe chè đơn sơ nép dưới hai cây dù lớn được ông treo biển “Dương Quá” như để kể về cuộc đời mình.
Ông Thể sinh ra và lớn lên với cơ thể lành lặn. Năm 1968, ông phụ người chị hàng xóm bưng bê xe chè. Họ chỉ có vài món đơn giản đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ dùng kèm nước cốt dừa.
Bốn năm sau, ông Thể bị tai nạn và cụt một tay. “Đó là khoảng thời gian đen tối nhất, tôi buồn sợ mình không làm gì được rồi trở thành gánh nặng cho gia đình”, ông kể. Gia đình ông Thể chỉ có hai người, chị luôn kề cận chăm sóc.
Thời gian đầu, ông di chuyển rất khó khăn, không thể tự mặc quần áo. Ông dò dẫm từng bước trong nhà và tập làm mọi thứ một mình. Dần dà, ông tự nấu ăn, quét nhà, rửa chén và thậm chí đạp xe.
Vết thương vừa lành cũng là lúc ông chọn nghề bán chè ở mưu sinh. Được chị truyền nghề, ông bán dạo ở khu vực quận Phú Nhuận rồi đến đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Cuối cùng, xe chè được dựng ở đường Nguyễn Văn Thủ (phường Đa Kao, quận 1) và cố định ở đây suốt 40 năm.
“Dương Quá” là cái tên người dân lân cận đặt cho. Một số người ngang qua thấy ông cụt tay nhưng siêng làm. Ông không ngại đạp xe giao chè bất kể xa gần rồi lại tiếp tục quay vào khuấy chè, vào bịch, tính tiền.
Hình ảnh người đàn ông một tay làm họ liên tưởng đến nhân vật Dương Quá trong tiểu thuyết Thần Điêu Đại Hiệp của nhà văn Kim Dung. Họ gọi riết thành quen, bản thân ông Thể của thích nên đã tự đặt xe chè tên Dương Quá.
“Họ hay hỏi tôi Dương Quá đây rồi Cô Long đâu, tôi chỉ biết cười”, ông Thể nói. Chục năm qua, ông cứ cặm cụi làm và không dám lập gia đình. Mỗi sáng, ông thức dậy sớm để phụ chị gái nấu chè, trưa dọn hàng ra bán rồi hàng chục công việc không tên cứ cuốn lấy. Ông cũng dành hết tâm sức chăm lo cho các cháu và chị gái đã lớn tuổi.
Tối về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi. Hàng chục năm như thế làm người đàn ông này không muốn lập gia đình bởi “không muốn làm ai khổ”. Bản thân ông Thể cũng cảm thấy đời mình không buồn bởi có khách vãng lai ghé thăm trò chuyện. Có người hỏi thăm công việc, có người quen mặt thương như người trong gia đình, thậm chí còn có người lưu số điện thoại, cứ cần là gọi.
Giữa trưa, khách là các nhân viên văn phòng ở các tòa nhà gần đó sẽ ghé ăn. Giá mỗi ly chè chỉ dao động 15.000-20.000 đồng. Mỗi ngày ông bán được khoảng 100 ly, vừa đủ trang trải chi phí gia đình.
Vị chè của ông cũng rất đặc biệt, nước đường thanh, không ngọt gắt, phần đậu xanh béo và bùi. Chục năm nay, ông và chị gái lớn tuổi nên được cháu dâu là bà Nguyễn Thị Nữ (55 tuổi) sang phụ. Bà nghĩ thêm các món mới như chè củ năng cơm dừa kết hợp với các loại đậu, hạt sen, sương sa hoặc phục linh sương sáo. Ly chè đến tay khách hàng luôn hấp dẫn, đầy đủ màu sắc và thêm lớp nước dừa béo bên trên.
Tiệm chè đắt khách bởi “Dương Quá” lúc nào cũng yêu đời. Ông ít khi hờn giận ai, công việc cực quá thì ngồi vào một góc nghỉ hoặc trò chuyện với khách quen.
Đức Tiến (29 tuổi) là khách quen ở tiệm chè. Ban đầu, Tiến ngang qua cảm thấy ấn tượng với người đàn ông cụt tay nhưng nhanh nhẹn, ham lam hay làm. Thi thoảng anh ghé lại ăn rồi “ghiền” luôn hương vị chè.
“Chú hiền lắm, cứ cười hề hề và chả bực dọc gì bao giờ. Lần nào mua mang về chú cũng hỏi nhà xa không sợ nước cốt dừa hư hoặc đá tan ăn không ngon”, Tiến nói.
Và cũng giống như quan điểm sống của “Dương Quá”, đời vốn dĩ nhiều nỗi buồn rồi, vui được ngày nào hay ngày đó.
- Nguồn:
- LINK